Bát Ngôn là thể thơ tám chữ, tức là mỗi dòng trong đoạn thơ sẽ có tám chữ.Làm thơ Bát ngôn dễ dàng hơn những thể thơ khác rất nhiều vì không bị luật thơ gò bó như những thể loại khác:
Câu đầu tiên của bài thơ thì có thể tự do mà làm, vì không phải theo khuôn khổ nào hết.
Câu hai và ba thì chữ cuối của câu hai và câu ba phải theo cùng vần là trắc trắc, hoặc bằng bằng, cứ hai cặp trắc lại đến hai cặp bằng cho đến hết bài thơ.
Câu cuối cùng cũng tương tự câu đầu. không cần phải vần với câu nào hết, nhưng nếu chữ cuối của câu cuối có thể vần với chữ cuối câu đầu thì sẽ hay hơn.
Vì Bát ngôn không có quá gò bó, từ ngữ bạn dùng sẽ làm bài thơ trở nên hay hơn, chỉ cần uốn nắn, uyển chuyển dùng từ sẽ tạo ra một bài thơ thật hấp dẫn.
Luật bằng trắc
Thường thì trong câu để có âm điệu du dương hễ chữ cuối có thanh trắc thì chữ thứ 3 trắc, chữ thứ 5 và 6 bằng; chữ cuối có thanh bằng thì chữ thứ 3 bằng, chữ thứ 5 và 6 trắc.
* Chữ cuối có thanh trắc thì chữ thứ ba là thanh trắc, thứ năm hoặc sáu là thanh bằng:
Ngắt câu chữ thứ 5 : x x T (b) B x x T VD: Ta nghe rõ con thuyền trôi phấp phới
Ngắt câu chữ thứ 6 : x x T x (b) B x T VD: Vòm nho nhỏ còn ghi thương nhớ cũ
* Chữ cuối có thanh bằng thì chữ thứ ba là thanh bằng, chữ thứ năm hoặc sáu là thanh trắc:
Ngắt câu chữ thứ 5 : x x B (t) T x x B VD: Lối vào sâu mấy khoá nẻo sau lưng
Ngắt câu chữ thứ 6 : x x B x (t) T x B VD: Lệ chia phôi ngàn thuở đọng lưng chừng
* Ghi chú :
- B : phải là bằng
- T : phải là trắc
- b : nên là bằng, nhưng không bắt buộc
- t : nên là trắc, nhưng không bắt buộc
- x : bằng hoặc trắc đều được
1. Vần liên tiếp
Cứ hai vần bằng rồi đến hai vần trắc, hoặc hai vần trắc rồi đến hai vần bằng. Như vậy:
* Câu 1 vần câu 2, câu 3 vần câu 4 Thí dụ:
Ta nghe rõ con thuyền trôi phấp phới
Non động hoang mang, tình xưa bạn mới
Hoa chờ, tươi: mây đợi, thắm lưng đèo
Suối quanh co bờ đá dựng cheo leo
Sườn bích lập nâng cao trần thạch nhũ
Vòm nho nhỏ còn ghi thương nhớ cũ
Lệ chia phôi ngàn thuở đọng lưng chừng
Lối vào sâu mấy khoá nẻo sau lưng
Khe nước hẹp khép dần sau bánh lái
Đôi bờ gấm chập chờn xê xích lại
Nóc rêu nhung buông rủ sát ngang đầu
Hồn phiêu dao tưởng cõi chiếc thuyền câu
Lách hang đá bay về non nước Tấn
(Đào Nguyên lạc lối - Vũ Hoàng Chương)
* Hoặc là câu 2 vần câu 3, câu 4 vần câu 5. Thí dụ:
Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa
Vội vàng chi, trăng lạnh quá, khách ơi
Đêm nay rằm: yến tiệc sáng trên trời
Khách không ở, lòng em cô độc quá
Khách ngồi lại cùng em! Đây gối lả
Tay em đây mời khách ngả đầu say
Đây rượu nồng. Và hồn của em đây
Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử
(Lời kỹ nữ - Xuân Diệu)
2. Vần chéo (Vần gián cách)
Một vần bằng rồi tới một vần trắc. Như vậy, câu 1 vần với câu 3, câu 2 vần với câu 4. Thí dụ:
Đuốc hoa toả, xiêm y càng rực rỡ
Khói trầm dâng, son phấn ngát lây hương.
Da thịt cháy, nhưng còn hơi bỡ ngỡ,
Nấp sau rèm tơ lụa mỏng hơn sương.
(Động phòng hoa chúc - Vũ Hoàng Chương)
3. Vần ôm
Câu 1 vần với câu 4, câu 2 vần câu 3. Thí dụ:
Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng?
Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay
Trời nắng ngọt ngào... tôi ở lại đây
Như một buổi hiên nhà nàng dịu sáng
(Tuổi mười ba - Nguyên Sa)
Đêm thân ái có muôn hoa hồng nở
Em tới đây tình tự một đôi lời
Hồn phong hương trầm tuổi mộng hai mươi
Ta nói khẽ đủ hai lòng nghe rõ
(Ân tình dạ khúc - Đinh Hùng)
VÍ DỤ CHUNG:
Anh muốn nói dù trời đông giá lạnh
Rét da ngoài khôn sánh rét tim côi
Bàn thiên nhìn mâm quả với chè xôi
Lòng xáo động bồi hồi trong tâm tưởng
Anh muốn nói dù chúng mình đôi hướng
Điệu đàn tơ âm hưởng vẫn rung người
Qua đại dương hoà nhịp sóng trùng khơi
Vượt sa mạc gởi lời muôn khát vọng
(Anh muốn nói - Ái Hoa)
Phân tích:
+ Lạnh và sánh vần với nhau
+ Côi, sôi và hôi vần với nhau
+ Tưởng, hướng và hưởng vần với nhau
+ Người, khơi và lời vần với nhau
nếu ko muốn tự làm bạn có thể dùng phần mềm máy sáng tác thơ
Admin
Link nội dung: https://rolandroicalculator.eu/huong-dan-lam-tho-phan-2-tho-bat-ngon-tho-8-chu-1735377911-a5269.html