Đó là bài thơ có tên gọi "Phục binh" do nhà thơ Hoàng Trung Thông dịch sang tiếng Việt cách đây hơn năm chục năm...
Bài thơ mở đầu bằng cảnh một viên tổng đốc hớt hải chạy từ khu vườn Ukren tươi đẹp của mình về tòa lâu đài thì rụng rời vì chỉ thấy giường chiếu lạnh, không rõ vợ mình biến đi đâu mất. Lão quay sang chửi rủa tay lính Côdắc được giao trách nhiệm trông nom cửa nhà, rồi cùng một người lính Côdắc khác mang theo túi săn cùng "một cây súng Thổ":
Tay cầm súng họ liền tiến bước
Và dò dẫm mò ra
Phía vòm cây có đặt giàn hoa
Dưới bóng đêm mờ
Gì kia trên gò cỏ ?
Bà phu nhân: quần áo loã lồ
Một bàn tay ngập ngừng
Che lấy nửa mình trần
Và một bàn tay khác
Cứ đẩy lùi yếu ớt
Một cánh tay của kẻ đàn ông
Đang quỳ bên, nước mắt chảy ròng ròng
Khi dịu ngọt, khi đắng cay
Chàng nói rằng: Em của anh ơi !
Bao hy vọng mất rồi chăng, em hỡi ?
Cũng giống như những linh hồn mê muội
Tình yêu anh đã cháy tự bao năm
Không có cách gì còn cứu được anh chăng ?
Hắn chẳng có tình yêu, tiếng khóc
Tiền hắn vung lên, em đã lùi chân
Và đêm đêm thằng già khả ố
Nằm lăn trên tấm đệm Thiên nga
Trên ngực em, hắn gối cái đầu già
Từ làn môi của em cháy bỏng
Từ gò má của em nồng thắm
Hắn hưởng những gì hạnh phúc đáng
về anh.
Còn anh cưỡi con ngựa trung thành
Dưới ánh trăng mờ tỏ
Anh tới đây vượt qua sóng gió
Để lúc đến sụt sùi
Để khi về niềm nở
"Chào em xinh, chúc em được đêm vui"Cuối cùng nàng tình nhân tội nghiệp
Hổn hển, buông xuôi ngả xuống lòng
chàngNgười Côdắc và viên quan
Quỳ nấp sau bụi rậm
Rút liền hai băng đạn
Đưa răng cắn, dùng que nhồi
Nạp vào hai lớp thuốc hoả mai.
- Bẩm cụ lớn - Người Cô dắc vội nói
Có chuyện gì như ma quỷ ám con
Cho phép con chờ một chút
Vì khi con nạp đạn
Trong lòng cứ run run
Cái mồi súng, nước mắt rơi ướt mất!
- Nói nhỏ không! Cái đồ ôn vật!
Tao sẽ dạy cho mày khóc lóc !
Thuốc tốt đây hãy cứ nhồi vào
Rồi đốt mồi cho tao
Và cào cho sạch đá
Nào chọn đi! Mày hay con mụ đó ?
Cao lên... bên phải... thôi yên...
Đưa tao bắn phát đầu tiên
Tao muốn trước được hạ thằng đĩ đực !Người Côdắc nạp đạn vào và tức khắc
Bắn thẳng vào giữa mặt viên quan
Đây là một chuyện-thơ tương đối hấp dẫn, được viết với một bút pháp châm biếm sắc sảo. Nội dung của nó đề cập tới các tình tiết liên quan đến một vụ "ngoại tình", trong đó, ngài tổng đốc là nhân vật trung tâm của bài thơ, đồng thời là nhân vật bi-hài nhất.
Này nhé: xem vợ như một thứ đồ đạc có thể cầm giữ được sau bốn bức tường, trong khi vợ vẫn lén lút đi lại với người tình, đó quả là một chuyện bi hài. Vợ trốn đi rồi, trách mình không trách lại đi chửi rủa, nhiếc móc những người hầu cận - đó là chuyện bi hài thứ hai. Rón rén đến "chứng kiến" cảnh vợ mình đang âu yếm với tình nhân, để rồi phải chịu nghe những lời của kẻ "tình địch" kia đường mật với vợ mình và phỉ báng mình (oái oăm thay, những lời này lại hoàn toàn đúng sự thật và làm cho vợ ngài thống đốc thấy đồng điệu) đó là chuyện bi hài thứ ba. Và cuối cùng, ra lệnh cho tên lính của mình nổ súng vào cặp tình nhân, rốt cục lại bị anh ta bắn thẳng vào mặt, thì đó quả là đại bi-hài kịch trong đời ngài tổng đốc vậy.
Bài thơ có nhiều chi tiết gây cười, từ đầu tới cuối bài. Đó là cảnh viên quan-đường đường là một tổng đốc-mới mở bài, vừa xáp mặt độc giả đã thấy hớt hơ hớt hải "chạy đứt hơi", mà nào đâu có phải việc quân cơ đại sự gì... Rồi cảnh ngài dò dẫm nhìn sâu vào bóng đêm và phát hiện ra từ cái "gì kia bên gò cỏ" bóng dáng thân thể vợ ngài... Đến cảnh người lính - theo lệnh ngài - nạp đạn vào súng chuẩn bị bắn mà lại nói "lòng cứ run run" và "cái mồi súng, nước mắt rơi ướt mất", đọc đến đó, người đọc khó có thể nhịn được cười, thật ngán cho đôi thầy trò "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", mỗi người một tâm trạng khác biệt.
Thông qua câu chuyện, tác giả thể hiện sự đồng tình của mình với những con người dám bứt lên khỏi cuộc sống nhung lụa nhưng giả tạo, tù túng, để vươn đón những luồng tình cảm mới của một tình yêu chân chính. Cách xử sự của người lính ở kết bài cho thấy anh ta đã tìm thấy ở đôi tình nhân kia một sự đồng cảm, và anh đã thực hiện theo tiếng gọi của trái tim mình.
Cũng như các nhà thơ cùng thời: A.Pushkin (Nga, sinh năm 1799), H.Heine (Đức, sinh năm 1797), V.Hugo (Pháp, sinh năm 1802)... Adam Mickievic (1798-1855) có một cuộc đời hoạt động vô cùng sôi nổi và đầy sóng gió. Và ông đã góp phần cùng các nhà thơ ưu tú nói trên phất cao ngọn cờ của chủ nghĩa lãng mạn trên bầu trời thi ca châu Âu. Adam Mickievic thực sự là niềm tự hào của nền thi ca Ba Lan thế kỷ XIX
Admin
Link nội dung: https://rolandroicalculator.eu/thi-hao-adam-mickievic-va-bai-tho-ve-mot-vu-ngoai-tinh-1734391208-a2222.html