Ngày Tết đọc thơ xuân Tố Hữu

Admin
  Năm 2020 vừa qua, lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tố Hữu đã được tổ chức trọng thể. Tố Hữu đã để lại một sự nghiệp thơ đồ sộ, trong đó riêng những bài thơ viết về Tết, xuân đã ghi lại biết bao kỷ niệm sâu sắc, những suy nghĩ của nhà thơ về vận mệnh dân tộc, đất nước mỗi dịp xuân sang suốt hơn sáu thập niên qua.

Bài thơ xuân đầu tiên của ông được sáng tác khi ông bước vào tuổi mười lăm, lúc nước nhà đang còn chìm đắm dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến. Nhìn tàu cau non lấp lóa dưới nắng xuân, nhà thơ thấy như "muôn gươm xanh" và với ông:

Xuân nay chỉ một mùa tang đẫm máu

Lòng người đang thét nỗi bi ai

Ông kêu gọi mọi người:

Ðứng phắt dậy? Hỡi muôn hồn

phấn đấu

Phá bất bình, mưu sống cho ngày mai…

(Xuân lòng, 1938)

Một năm sau, khi "Xuân bước nhẹ trên cành non lá mới", ông cùng "vui chút với trời hồng, cho hồn thêm nhựa mạnh", không quên tỏ quyết tâm:

Nắm tay sắt quyết đồng tâm lật đổ

Cả chế độ hung tàn gây thống khổ…

Và chính những hoạt động cách mạng nhằm lật đổ chế độ hung tàn ấy mà ông phải vào tù, hết nhà lao này đến nhà lao nọ. Năm 1924, thoát khỏi ngục Ðăk Glei, tiếp tục cuộc sống đầy gian nguy của chiến sĩ cách mạng bí mật, ông đón Giao thừa trong chiếc miếu quạnh hiu:

Ðêm nay pháo nổ giao thừa

Mà người chiến sĩ không nhà còn đi

Truông dài, bãi rộng, đồng khuya

Người đi như chẳng nhớ gì Tết xuân

Người đi quên hết gian truân

Say mê như một dân quân trên đường

Nép lưng vào miếu tranh nghèo

Nao nao lòng lại mơ theo cờ hồng

(Ðêm Giao thừa, xuân 1943)

Năm Ất Dậu 1945, giữa lúc cuộc chiến trên Thái Bình Dương diễn ra ác liệt, phát-xít Nhật chuẩn bị lật đổ Pháp, trực tiếp nắm quyền cai trị Ðông Dương, nhà thơ đã nhìn thấy rõ tương lai tươi sáng của dân tộc. Ông viết bài "Xuân đến" với những lời dự đoán vô cùng chính xác:

Hỡi người bạn! Vui lên đi! Ất Dậu

Sẽ là năm khởi nghĩa, năm thành công!

Trời hôm nay dầu xám ngắt màu đông

Ai cản được mùa xuân xanh tươi sáng

Ai cản được những đoàn chim

quyết thắng

Sắp về đây tắm nắng xuân hồng?

Quả nhiên, Ất Dậu 1945 đã đi vào lịch sử dân tộc với cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công rực rỡ, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhà thơ vô cùng hào hứng đón xuân 1946 mà ông gọi là "Xuân nhân loại":

Mấy bữa trời chưa ngớt gió sương

Cành xoan chưa phủ lục bên đường

Song lòng ta đã nghe đâu đó

Có một mùa xuân phảng phất hương

...

Ðây một mùa xuân tới tới gần

Ðây mùa bất tuyệt của muôn xuân

Hương tình nhân loại bay man mác

Gió bốn phương truyền vang ý Dân…

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thành công với chiến thắng Ðiện Biên Phủ chấn động địa cầu, miền bắc sôi nổi thi đua xây dựng, miền nam bừng bừng nổi dậy chống giặc Mỹ và tay sai, nhà thơ tràn đầy phấn khởi, cắm một mốc son ghi nhận thành tựu xây dựng đất nước ở miền bắc với "Bài ca mùa Xuân 1961".

Chào 61! Ðỉnh cao muôn trượng

Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng

Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau

Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu!

...

Xuân ơi xuân, em đến mới dăm năm

Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội

Ði ta đi! Khai phá rừng hoang

Hỏi núi non cao, đâu sắt đâu vàng?

Hỏi biển khơi xa, đâu luồng cá chạy?

Sông Ðà, sông Lô, sông Hồng,

sông Chảy

Hỏi đâu thác nhảy, cho điện

quay chiều?

...

Hai bàn tay ta hãy làm tất cả!

Xuân đã đến rồi. Hối hả tương lai

Trước những thắng lợi vang dội của nhân dân hai miền bắc - nam, xây dựng và chiến đấu, ông cất "Tiếng hát sang Xuân" 1965 đầy lạc quan:

Mở tờ lịch mới hôm nay

Biết là xuân đến cầm tay lên đường

Rộn ràng thay, cảnh quê hương

Nửa công trường, nửa chiến trường,

xôn xao…

Xuân ơi xuân chọn hướng nào

Vui đây Miền Bắc hay vào Miền Nam?

Ngoài này nắng đỏ cành cam

Chắc trong ấy nắng xanh lam ngọn dừa

Hôm nay đâu đó, tiền phương

Xuân vui chợt đến giữa đường

hành quân

Hẹn gì, năm mới, cùng xuân?

Ðường xa có lẽ đang gần… hỡi Anh?

Nhịp sống dậy nhanh, lòng người phơi phới, nhà thơ cảm thấy mùa xuân 1966 như đến sớm hơn mọi năm

Xuân đến năm nay, sớm lạ thường

Trời đang rét ngọt, sáng nhiều sương

Ong kêu ong dậy đường hoa vải

Rực lúa chiêm trăng, bướm bướm vàng

Ôi những nàng xuân rất dịu dàng

Hát câu quan họ chuyến đò ngang

Nhẹ nhàng tay cấy bên sông ấy

Súng khoác trên lưng, chẳng ngỡ ngàng

Ấy ngày xuân đến… nên hoa lá

Cứ nở, như không đợi nắng mời

(Xuân sớm, 1-1966)

Năm 1967 báo hiệu những cơn bão lửa trút vào đầu giặc Mỹ ở miền nam, nhà thơ sung sướng:

Chào xuân 67

Xuân của chúng ta

Nam Bắc hai miền chiến công lừng lẫy!

Ôi sáng xuân nay, như lưỡi gươm

trần sáng quắc

Rạo rực lòng ta, trống trận

Quang Trung

Tổ quốc giục cả hai miền Nam Bắc

Hãy xung phong! Hỡi mùa xuân 67

anh hùng!

Nếu trong "Tiếng hát sang Xuân" năm 1965, nhà thơ tả anh giải phóng quân miền nam với đôi dép lội chiến trường và vành mũ lá coi thường hiểm nguy, thì đến xuân 1968, anh lại thấy anh giải phóng quân đội mũ tai bèo:

Ôi cái mũ vải mềm dễ thương như một

bàn tay nhỏ

Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành

Sáng trên đầu như một mảnh trời xanh

Mà xông xáo, mà tung hoành,

ngang dọc

Mạnh hơn tất cả đạn bom, làm run sợ

cả Lầu năm góc!

Nhà thơ cho ta thấy trước một khí thế quyết chiến, quyết thắng tràn đầy:

Hoan hô Xuân 68 anh hùng!

Hãy gầm lên như sấm sét đùng đùng

Tất cả pháo!

Và xông lên, dũng sĩ!

Như khí phách Trần, Lê. Như oai vũ

Quang Trung…

(Bài ca Xuân 68)

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 gây tổn thất nặng nề cho địch, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán ở Pa-ri, tính nước bài "Việt Nam hóa chiến tranh". Nhà thơ thấy thắng lợi cuối cùng đến gần thêm một bước vào năm 1969:

Hỡi mùa xuân lộng lẫy mai vàng

Hãy sớm nở, trang hoàng dải đất

Ðỏ thắm máu hy sinh và những

chiến công đẹp nhất

Ta đã thắng. Ðịch đã lui, từng bước

Hãy tiến công, tiến công, xông lên

phía trước…

Ðến mùa xuân 1971, giữa muôn vàn khó khăn, lũ lụt nặng nề ở miền bắc, chiến tranh ở miền nam diễn ra cực kỳ ác liệt, nhà thơ nhìn "71 đến" đĩnh đạc, đàng hoàng:

71 đến, nghiêm trang. Như người lính

Có lệnh là đi. Tư thế sẵn sàng

Gương mặt sáng nụ cười bình tĩnh

Dâu hẹn vàng tơ, chè mơ thêm lứa

Lạc lên xanh bát ngát chân trời

Ðến cỏ dại cũng ngọt thành cỏ sữa

Sức trẻ dậy, mặt người rạng rỡ

Nước non này xanh cả mùa đông…

(Bài ca xuân 71)

Sau Ðại thắng mùa xuân 1975, miền nam hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất, Ðại hội Ðảng lần thứ IV, năm 1976, quyết định đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Viết về "Với Ðảng, mùa xuân" đầu năm 1977, nhà thơ có cái nhìn sâu sắc:

Ta phải thắng thiên nhiên, và thắng

cả chính mình

Cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn

thắng lợi

Từ chiến trường ra, ta xốc tới

công trường

Người chiến thắng là người

xây dựng mới

Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, "Dẫu còn sương giá" và "Chưa nhiều chi trái hoa", nhà thơ luôn tin tưởng vào mùa gặt mới "Bởi Xuân lên nắng, ấm tình người" (Xuân đấy, 1-1984).

Khi thế kỷ 20 sắp kết thúc, công cuộc đổi mới đem lại những thành quả rực rỡ cho đất nước, nhân dân, nhà thơ bước vào tuổi bát tuần, vẫn lạc quan yêu đời, đón chào năm 2000 và thế kỷ 21:

Năm 2000 ơi! Người là ai đó?

Tôi vẫn nghe lời Bác gọi thanh niên:

Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Ðào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên!

Mừng thế kỷ hai mươi mốt đến

Cho sáng bừng mặt đất, ánh bình minh!

(Chào năm 2000!)

Trong các nhà thơ Việt Nam hiện đại, có lẽ, Tố Hữu là người làm thơ xuân nhiều nhất. Mỗi vần thơ ông đón chào xuân, Tết là một lời tin tưởng ở nhân dân, đất nước, tương lai, làm tươi thêm cành non lá mới, tăng thêm sắc mầu rực rỡ cho hoa xuân trong lòng người đọc mỗi dịp xuân sang.

Tố Hữu đã "tạm biệt" chúng ta vào một ngày đông Nhâm Ngọ, 9-12-2002. Những vần thơ mừng xuân, Tết của ông sẽ sống mãi trong lòng người đọc, cũng như toàn bộ sự nghiệp thơ của ông là tài sản quý báu trong kho tàng văn học Việt Nam. Thơ của ông đã "cho" đời rất nhiều lúc sinh thời và cả lúc ông đã ra đi, như bài thơ cuối cùng ông để lại:

Xin tạm biệt đời yêu quý nhất

Còn mấy vần thơ, một nắm tro

Thơ gửi bạn đường, tro bón đất

Sống là cho và chết cũng là cho.

(Tạm biệt)

Admin

Hợp tác truyền thông, quảng cáo (0965.23.2222)