LÝ BẠCH VÀ NHỮNG BÀI THƠ TRĂNG

Admin
          Các nhà thơ xưa nay ở Trung Quốc, Việt Nam hay bất kỳ nước nào trên thế giới  dù ít dù nhiều đều có nói đến vầng trăng. Tuy nhiên những bài thơ hay nhất về trăng, hầu hết học giả thừa nhận đó phải là của Lý Bạch (701 -762), một thi sĩ […]

          Các nhà thơ xưa nay ở Trung Quốc, Việt Nam hay bất kỳ nước nào trên thế giới  dù ít dù nhiều đều có nói đến vầng trăng. Tuy nhiên những bài thơ hay nhất về trăng, hầu hết học giả thừa nhận đó phải là của Lý Bạch (701 -762), một thi sĩ lãng mạn đời Đường. Nhắc đến ông, viết về ông các nhà phê bình văn học không thể quên được hình ảnh vầng trăng, bởi lẽ nó đã trở thành biểu tượng, mảnh sáng nhất trong tâm hồn nhà thơ.

Lý Bạch (701 -762), ảnh internet

          Với Lý Bạch, trăng luôn xuất hiện ở mọi chỗ trong mọi hoàn cảnh khi mở, khi tỏ, khi khuyết, khi tròn có khi hùng tráng, hiên ngang trên bầu trời nơi quan ải, như người chiến sĩ canh gác quê hương.

“Minh nguyệt xuất Thiên San,

Thương mang vân hải gian

Trường phong kỷ vạn lý,

Xuy độ Ngọc Môn quan”

(Vầng trăng ra núi thiên san

Mênh mông nước bể  mây ngàn sáng soi

Gió đâu muôn dặm chạy dài

Ruổi đưa trăng sáng ra ngoài Ngọc Môn)

          Quan Sơn Nguyệt (Trăng núi quan ải, dịch thơ Tương Như)

            Cũng có lúc trăng lại huyền ảo, diễm lệ, đa sầu, đa cảm như một thi sĩ cô đơn, chìm đắm giữa một không gian duy mỹ của trời đất, vạn vật tự nhiên:

“Nhật sắc dục tận hoa hàm yên,

Nguyệt minh như tố sầu bất miên…”

(Mặt trời sắp tắt, hoa ngậm khói sương,

Trăng sáng như lụa buồn rầu không ngủ…

Trường tương tư (nhớ nhau dài)

Lý Bạch mời rượu trăng, ảnh internet

          Đối với Lý Bạch trong mọi trường hợp, hình ảnh ánh trăng luôn mang vẻ đẹp hồn nhiên, bình dị như người bạn thân thiết kẻ đồng hành trên từng bước phiêu bạt nay đây mai đó của ông. Vầng trăng hiểu mọi tâm tình nhà thơ, gần gũi cảm thông và chia sẻ cùng ông những nỗi niềm u uất, những tâm sự thầm kín. Nó phản ánh tâm hồn phong phú, lãng mạn, sâu đậm tình người của ông. Đó là sự thanh cao, lối sống trong sạch, tấm lòng yêu quý thiên nhiên và những gì thiên nhiên ban tặng cho con người.  Đó cũng là nỗi nhớ quê hương da diết khi nhà thơ phải xa cách bởi chiến tranh loạn lạc. Đó là sự chán ghét cuộc sống hiện tại đầy rẫy bất công thôi thúc ông tìm về dĩ vãng, hoài cổ… có đêm ông đi trên con thuyền rời xa Thanh Khê để tới Nam Giáp ánh trăng và bùi ngùi đưa tiễn trong dòng nước Bình Khương :

“Nga My sơn nguyệt bán luân thu,

Ảnh nhập Bình Khương giang thuỷ lưu”

(Trăng lên đầu núi Nga My nửa vầng thu

Chiếu xuống sông Bình Khương lấp lánh dòng nước trôi)

                                    Nga Mi Sơn nguyệt ca (bài ca trăng núi Nga Mi)

          Lần khác trăng lại rủ Lý Bạch đi du ngoạn núi Thiên Mụ một trong những danh thắng cảnh đẹp và hùng vĩ trên dãy núi Thiên Thai nhìn về đất Ngô, Việt:

“Nhất dạ phi đô kính hồ nguyệt.

Hồ nguyệt chiếu ngã ảnh,

Tống ngã chí Diễm Khê…”

(Một đêm bay qua ánh trăng trên Hồ Gương

Trăng soi bóng ta

Đưa ta đến tận Diễm Khê… )

                                                            Mộng du Thiên Mụ ngâm lưu biệt

(Mộng du ngoạn Thiên mụ viết khúc ngâm từ biệt )

          Nỗi tri kỷ của Lý Bạch với vầng trăng ngày càng được gắn bó trong những đêm ông làm thơ và uống rượu. Men rượu, nỗi côi đơn và ánh trăng huyền ảo, tất cả quyện vào nhau thành những nhớ, những quên, những thực, những hư, những say, những tỉnh, lắng đọng mãi và sâu thẳm của tâm hồn. Và chính ông cũng vượt cao lên trên mọi thói thường, trên mọi ràng buộc, trên mọi định kiến, vượt cao lên khỏi chính mình để nhập vào ánh trăng mà ở đó thật khó phân biệt Trăng là Lý Bạch hay Lý Bạch là trăng :

“Hoa gian nhất hồ tửu,

Độc chước vô tương thân.

Cử bôi yêu minh nguyệt,

Đối ảnh thành tam nhân.

…Ngã ca nguyệt bồi hồi

Ngã vũ ảnh linh loạn…”

(Có rượu không có bạn

   Một mình chuốc dưới hoa

Cất chén mời trăng sáng

Mình với bóng là ba

… Ta hát trăng bồi hồi

Ta múa bóng rối loạn…)

        Nguyệt hạ độc chước kỳ nhất

(dưới trăng uống một mình bài 1, bản dịch thơ Nam Trân)

Nguyệt hạ độc chước, nguồn internet

          Những khi ánh mặt trời đi khuất sau rặng núi cũng là lúc Lý Bạch đã ngóng đợi người bạn mình, ngóng đợi vầng trăng như một “đứa trẻ” hồn nhiên, kiên nhẫn và có đôi chút ngây thơ. Và rồi gặp trăng, hát với trăng, bao nhiêu ưu tư, sầu muộn lại tan biến để rồi ông vẫn mãi nuôi dưỡng được hình tượng “đứa trẻ” hồn nhiên và trong sáng ấy:

“Hạo ca đãi minh nguyệt,

Khúc tận dĩ vong tình”

(Hát vang chờ đợi trăng sáng

Hát xong thì đã quên hết tình)

Xuân nhật tuý khởi ngôn chí (Ngày xuân say tỉnh dậy nói chí mình )

Dục thướng thanh thiên, nguồn internet

          Đôi lúc nhà thơ còn tỏ ra cao hứng hơn nữa, muốn bay lên tận nơi để thưởng lãm vầng trăng luôn chiếu sáng cuộc đời ông :

“Dục thướng thanh thiên lãm minh nguyệt…”

(Muốn lên trời xanh để thưởng lãm vầng trăng sáng)

                                Tuyên Châu tạ tiểu lâu tiễn biệt hiệu thư Thúc Vân

(Tuyên Châu trên lầu Tạ Diễu tiễn biệt hiệu thư Thúc Vân)

          Vầng trăng thực sự đã trở thành nguồn cảm tác bất tận, trở thành linh hồn thơ thực thụ của Lý Bạch. Ánh trăng luôn gần gũi mà vẫn có phần xa cách khi luôn đứng ở phía trên, phía trước nhà thơ, nó tượng trưng cho tất cả những gì tốt đẹp nhất ở con người, dẫn dắt con người cần phải vươn tới khát vọng, ước mơ và cái đẹp. Điều đó đã trả lời cho câu hỏi tại sao trong thơ Lý Bạch dù ở bất cứ hoàn cảnh nào vầng trăng cũng luôn sáng ngời, rực rỡ chứ không khuyết, tàn, rụng rơi trên mặt sóng, sau rặng đồi hay ẩn trốn nơi núi rừng sâu thẳm.

“Chỉ kim duy hữu Tây giang nguyệt”

(Nay chỉ Tây Giang vùng nguyệt tỏ )

                                                Tô đài Lãm cổ (Xem dấu xưa nơi đài Cô Tô )

          Hay như câu :

“Tràng an nhất phiến nguyệt”

(Muôn mảnh trăng chiếu sáng Trường An)

Tử dạ tứ thời ngô ca – Thu ca (bài ca tử dạ bốn mùa – mùa thu)

          Điều này giải thích vì sao vầng trăng trong thơ Lý Bạch không buồn thảm, tê tái, tuyệt vọng như ở nhiều nhà thơ lãng mạn khác cũng đến với chủ đề trăng.

          Giữa bối cảnh lịch sử xã hội phong kiến thời Đường phức tạp, bắt đầu có dấu hiệu suy tàn, vua thì ăn chơi, xa xỉ, quan lại thì tham nhũng, tàn bạo, ánh trăng như giá trị tinh túy của tự nhiên và con người dẫn đường đưa Lý Bạch trở về với cuộc đời thanh đạm, cốt cách Đạo giáo, với tình yêu thiên nhiên và lẽ sống cao thượng, không vướng “bả” công danh, tài lộc. Có người cho rằng đó là sự trốn tránh trách nhiệm của nhà thơ, trốn tránh bụi trần, những cũng có người lại không khẳng định rằng ông là người dũng cảm, đã vượt qua mọi điều xấu xa, ti tiện để đến với cái đẹp hoàn mỹ nhất, cái đẹp của muôn đời. Dù cuộc đời có đen bạc đến đâu đi chăng nữa, dù vạn vật sẽ đổi thay như bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông nhưng bản chất của cuộc đời ấy vẫn còn lại nhưng một vầng trăng rất đáng yêu và đáng sống. Vầng trăng lãng mạn ấy sẽ giúp cho con người vượt qua tất cả để có một ngày mai tốt đẹp,  hoàn thiện hơn. Vì lẽ đó, với vầng trăng của mình, Lý Bạch đã không lẩn tránh và mãi mãi gắn bó với cuộc đời bằng nhịp xúc động kỳ diệu và nhân ái:

“Nguyệt hành khước dữ nhân tương tuỳ.

Kiểu như phi kính lâm đan khuyết”

(Trăng vẫn đi theo người

Sáng như mảng gương bay rọi cửa son)

                                                            Bá tửu vấn nguyệt (cầm rượu hỏi Trăng)

          Những đêm mây mù u ám phủ kín bầu trời nhớ về trăng như một người bạn thân yêu nhất, Lý Bạch khẳng định:

“Vĩnh kết vô tình du,

  Tương kỳ mạc Vân Hán”

“ Tình chơi vu vơ thắt chặt mãi mãi

   Hẹn hò nhau trên cao vút sông Ngân hà”

        Nguyệt hạ độc chước kỳ nhất

(dưới trăng uống một mình bài 1, bản dịch thơ Nam Trân)

          Cái đỉnh cao vút của sông Ngân mà ông hẹ hò lại chính là cuộc đời, cuộc đời đích thị mà con người cần phải có, sẽ có và đấu tranh để có được. Tâm tình của Lý Bạch với ánh trăng vẫn được ngàn đời truyền tụng, ca ngợi những sự gặp gỡ của một tâm hồn lãng mạn, nghệ sĩ và …con người nhất với một sản phẩm kỳ diệu hoàn mỹ nhất của tạo hoá. Qua vầng trăng mà Lý Bạch đã trở thành Nhà thơ Lý Bạch bất hủ. Qua thơ của Lý Bạch mà vầng trăng vô tri vô giác bỗng rung lên trong bao nhiêu cảm xúc, bỗng trở nên sinh động và chất chứa bao nhiêu nguồn cảm hứng sâu xa nhất vì con người vào cuộc đời, vầng trăng lãnh đạm trở thành vầng trăng con người, vầng trăng nhân văn.

          Vì lẽ đó khi đọc thơ Lý Bạch (độc Lý Bạch thi tập), Trịnh Cốc (849 – 911), một thi sĩ thời văn Đường đã phải thán phục, thốt lên :

“Cao ngâm đại tuý tam thiên thủ,

Lưu trước nhân gian bạn nguyệt minh”

(Ngâm vang lúc say khướt ba nghìn bài thơ

Để lại cõi đời làm bạn với ánh trăng)

          Lý Bạch chính là một vầng trăng – vầng trăng rực rỡ và tỏa sáng nghìn thu trên bầu trời thi ca Trung Quốc và thế giới.

Hàn Vũ Linh, đăng trên Tập san Hạnh phúc đời thường, Tp Hồ Chí Minh, số 11/1991
Admin

Hợp tác truyền thông, quảng cáo (0965.23.2222)