cấu tứ trong bài thơ Tràng Giang
MB: Có ai yêu một loài hoa không hương sắc? Có ai quyến luyến những vần thơ vô cảm? Văn
chương phản ánh hiện thực nhưng nó không phải là một tấm hình khô cứng và vô hồn, mà đó là tiếng
lòng thổn thức từ những câu chuyện của cuộc đời. Chính hiện thực cuộc sống luôn là cảm hứng cho
sáng tác văn học, là cội nguồn gọi thức con chữ, là cầu nối tâm hồn đồng điệu của người nghệ sĩ với
độc giả. Và Huy Cận đã làm rất tốt trong việc truyền cảm trong tác phẩm “Tràng giang”. Thơ là đi
giữa nhạc và ý. Rơi vào cái vực ý thì tác phẩm sẽ sâu, nhưng rất dễ khô khan. Rơi vào vực nhạc thì
văn học dễ làm say đắm lòng người, nhưng cũng dễ nông cạn. Ông là người đã cân bằng giữa hai vực
thu hút này, thơ của ông vừa ru người trong nhạc, vừa thức người trong ý. Thơ Huy Cận giàu chất suy
tưởng, tràn đầy cảm xúc về vũ trụ, luôn thể hiện khao khát đồng điệu với cuộc đời và tạo vật. Đặc
biệt, trong bài thơ “Tràng giang” đã tạo được sự cân bằng hiếm có giữa vẻ đẹp cổ điển và vẻ đẹp hiện
đại, giữa chất lãng mạng và chất tượng trưng. Mà để tạo được chất riêng đó thì không thể thiếu cấu
tứ. Vẻ đẹp của cấu tứ luôn là điểm sáng ngời của nghệ thuật trong mỗi tác phẩm.
TB : Bàn về cấu tứ, người đọc có thể hiểu cấu tứ là linh hồn của toàn bộ tác phẩm, đây là nơi cung
cấp cho độc giả một cách nhìn mới, một vị trí để quan sát toàn bộ tác phẩm, nhờ vào cấu tứ mà người
đọc dễ dàng cảm nhận được bài thơ, thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm.
Điều đặc biệt là nhan đề của toàn bộ tác phẩm là Tràng Giang, tức có thể hiểu là “con sông dài”, Huy
Cận đã sử dụng hai vần “ang” liên tiếp làm cho con sông đã dài nay còn mở rộng ra hơn cả, tác giả đã
miêu tả con sông ấy trong toàn bộ tác phẩm. Con sông là nơi khơi nguồn cảm hứng, là mạch cảm xúc
chính của toàn bộ bài thơ. Hình ảnh con sông đã len lỏi vào từng câu chữ và thấm đẫm nỗi buồn,
những cảm xúc đặc biệt của chính tác giả.
Lúc này, thông qua cấu tứ, người đọc nhận ra là có hai dòng sông đang cuộn trào, dòng sông Tràng
Giang và dòng sông trong lòng của tác giả Huy Cận. Nhờ vào đây, người đọc đã dễ dàng liên kết,
cảm nhận và đặt trọn vẹn cảm xúc của mình vào trong bài thơ, chính vì vậy mà những tâm tư, tình
cảm của tác giả đã chạm đến trái tim bạn đọc. Huy Cận đã sử dụng lặp lại rất nhiều từ “nước”, “cơn
nước” kết hợp với các từ “ cồn nhỏ, bờ xanh, bãi vàng..” để tạo nên sự đặc biệt cho tác phẩm. Một tác
phẩm hay và xuất sắc không thể thiếu sự đóng góp của những hình ảnh đặc biệt. Hình ảnh trong bài
thơ Tràng Giang vô cùng giản dị và mộc mạc, nhưng cũng không kém phần trữ tình và hấp dẫn.
Hình ảnh thơ tiêu biểu “củi một cành khô” khiến người đọc không khỏi xót xa, nếu ngày xưa các tác
giả thường sẽ lựa chọn những hình ảnh ước lệ tượng trưng như tùng, cúc, trúc, mai thì Huy Cận đã
lựa chọn hình ảnh “củi khô”. Phải chăng cành củi lạc lõng trôi giữa dòng nước mênh mang ấy chính
là tượng trưng cho những kiếp người trôi nổi giữa dòng đời xuôi ngược? Phải chăng đó là cách mà
tác giả thể hiện sâu sắc nỗi buồn của cái tôi thi sĩ, cái buồn khi đối diện với không gian trời bể, khi
cảm nhận được những kiếp người nhỏ bé, nghèo khổ, nổi trôi?