I. Trước khi đọc
1. Tác giả
Vũ Quần Phương (1940) tên thật là Vũ Ngọc Chúc
Quê quán: sinh ra ở quê mẹ tại Từ Liêm, Hà Nội, quê cha ở Hải Hậu, Nam Định
Là nhà thơ, nhà báo và nhà phê bình văn học
Ngoài làm thơ và viết phê bình văn học, ông còn dịch thơ đăng trên các sách, báo và tạp chí văn học. Ông được nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.
Các tác phẩm tiêu biểu: Cỏ mùa xuân (1966), Hoa trong cây (1977), Vầng trăng trong xe bò (tập thơ, 1988)...
2. Tác phẩm
Trích Thơ hay có lời bình 100 bài, Vân Long tuyển chọn
3. Cảm nhận của em về bài thơ Đường núi trước khi đọc bài viết của Vũ Quần Phương
Gợi ý:
Em nhận thấy cảnh núi non hiện ra thật đẹp qua tấm lòng yêu đất đai, thôn bản, quê hương tha thiết của tác giả Nguyễn Đình Thi.
II. Trải nghiệm cùng văn bản
1. Đọc và theo dõi đọc
2. Cảm nhận của em về bài thơ Đường núi sau khi đọc bài viết của Vũ Quần Phương
Gợi ý:
⇒ Sau khi đọc bài viết của Vũ Quần Phương em càng hiểu và thấm hơn những giá trị nghệ thuật của bài thơ Đường núi.
3. Tìm hiểu chung
a. Thể loại: Văn bản nghị luận
b. Phương thức biểu đạt: nghị luận
4. Nội dung chính
Vũ Quần Phương đã bày tỏ cảm xúc trân trọng với bài thơ “Đường núi” của Nguyễn Đình Thi: Bài thơ “Đường núi” là tình yêu say đắm đồng đất, núi rừng làng mạc nước non của Nguyễn Đình Thi.
5. Bố cục: 3 phần
Phần 1 (từ đầu đến "say đắm của người viết"): Khái quát giá trị của bài thơ Đường núi
Phần 2 (tiếp theo đến "xao xuyến, bay múa, ca hát"): Giá trị nội dung, nghệ thuật của bài thơ Đường núi
Phần 3 (còn lại): Khẳng định cái tài của Nguyễn Đình Thi
III. Suy ngẫm và phản hồi
1. Cảm nhận của tác giả về bài thơ “ Đường núi”
a. Cảm nhận chung
- Bài thơ là bức tranh chấm phá, thiếu cả nét lẫn mầu lại nổi rõ lòng yêu đất đai, thôn bản say đắm.
b. Cái hay, cái đẹp của bài thơ
- Nhịp điệu: ngất ngây, rì rào, reo vui lặng thầm.
- Âm điệu: âm điệu của nội tâm, lắng lại, chơi vơi, thanh nhẹ.
- Hình ảnh ấm lòng, độ dài như một sự ngưng đọng, ngân nga.
- Cảnh: chỉ được vẽ một và nét, tốc độ chuyển cảnh rất nhanh.
- Nội dung nằm bên ngoài dòng chữ.
- Từ trường cảm xúc làm chúng ta xúc động.
c. Kết luận
Cái tài là tạo được một luồng không khí thân yêu trong trẻo run rẩy phủ lấy phong cảnh. Phong cảnh bỗng mang vị tâm hồn của tác giả.
⇒ Nghệ thuật nghị luận: triển khai luận điểm, luận cứ mạch lạc, thuyết phục; sử dụng lối viết giầu sức gợi.
2. Sự đồng cảm của tác giả
Vũ Quần Phương đã thể hiện sự đồng cảm của mình với bài thơ về tình cảm yêu say đắm đồng đất núi rừng làng mạc nước non mình. Sự đồng cảm này là một món quà quý mà tác giả Vũ Quần Phương đã dành tặng cho Nguyễn Đình Thi khi thấu hiểu sâu sắc bài thơ “Đường núi”.
Vũ Quần Phương khẳng định: “Cái tài của Nguyễn Đình Thi ở bài thơ này là tạo được một luồng không khí thân yêu trong trẻo run rẩy phủ lấy phong cảnh. Phong cảnh bỗng mang vị tâm hồn của tác giả” vì: Vũ Quần Phương trân trọng cái tài của Nguyễn Đình Thi sau khi đọc bài thơ “Đường núi”. Vũ Quần Phương nhận thấy, Nguyễn Đình Thi không chỉ đơn thuần miêu tả cảnh đẹp núi non, thôn bản mà còn gửi vào đó tình yêu tha thiết, mang một luồng không khí thân yêu trong trẻo run rẩy phủ lấy phong cảnh. Vì thế, phong cảnh bỗng mang vị tâm hồn của tác giả.
⇒ Người bình thơ cảm nhận, thấu hiểu được những rung động, tình cảm tinh tế, kín đáo của nhà thơ dành cho thiên nhiên, con người nơi đầy; cảnh vật trong bài thơ được điểm xuyết, lướt qua khá nhanh và vội, cái tạo nên tính liền mạch ở đầy chính là cảm xúc của người viết,... Cũng chính nhờ sự đồng cảm sâu sắc với bài thơ nên nhà phê bình mới có sự phát hiện rất tinh tế là âm điệu câu thơ chính là âm điệu của nội tâm chứ không phải âm điệu được tạo nên bởi cách hiệp vần, vần đã bị bỏ rơi.
⇒ Sự đồng cảm này có ý nghĩa rất quan trọng. Nó giúp cho nhà phê bình có thể cảm nhận được một cách sâu sắc, tinh tế những tư tưởng, cảm xúc của nhà thơ gửi gắm trong bài thơ, từ đó có thể lan toả tình cảm này đến với người đọc.
⇒ Khi đọc bài viết của Vũ Quần Phương, ta không chỉ cảm nhận được sự tài hoa, tinh tế trong cách cảm nhận thơ của ông mà còn cảm nhận được tình yêu tha thiết của ông đối với thiên nhiên, với quê hương, đất nước. Có như thế, ông mới có thể có được những rung động mãnh liệt và những trang viết tài hoa về bài thơ Đường núi của Nguyễn Đình Thi.
IV. Luyện tập
1. Sau khi học xong văn bản, em đã rút ra được điều gì cho mình trong việc tạo lập văn bản nghị luận văn học.
Gợi ý:
- Cảm nhận được đầy đủ nội dung, chủ đề tư tưởng của tác phẩm; cái hay, cái đặc sắc trong việc sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh, phép tu từ…
- Xây dựng, sắp xếp hệ thống luận điểm, luận cứ rõ ràng, hợp lí.
- Lựa chọn ngôn từ có sức gợi.
- Kết hợp được các PTBĐ khác nhau để tạo sự hấp dẫn cho bài viết
2. Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về bài bình thơ “Bài thơ Đường núi của Nguyễn Đình Thi” qua bài ngị luận của Vũ Quần Phương.
Đoạn văn tham khảo.
Bài bình thơ của Vũ Quần Phương giúp em tiếp nhận bài thơ ở nhiều khía cạnh hơn, cảm nhận của tác giả thực sự sâu sắc và đủ đầy về những khía cạnh dù nhỏ nhất của bài thơ. Những câu cuối của bài bình thơ khiến em ấn tượng hơn cả: “Cái tài của Nguyễn Đình Thi ở bài thơ này là tạo được một luồng không khí thân yêu trong trẻo run rẩy phủ lấy phong cảnh. Phong cảnh bỗng mang vị tâm hồn của tác giả. Đường vắng mà lòng vui. Đi một mình mà lòng như ca hát.” Dường như tác giả của bài bình thơ đã hóa thân, làm một nhân vật trong bức tranh thơ để cảm nhận một cách tinh tế nhất những thanh âm trong trẻo và cảm xúc dạt dào mà bài thơ đã gợi ra. Điều đó cũng cho em thấy nếu muốn cảm nhận được rõ nét một tác phẩm văn chương, ta phải hóa thân vào trong tác phẩm để cảm nhận rõ nét và đầy đủ nhất những cảm xúc văn chương dạt dào của người nghệ sĩ.
Biên soạn: GV Nguyễn Duy Tuấn
SĐT: 0945 441181
Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419
Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM
Fanpage: https://www.fb.com/ttductri