Những bản Ướt mi, Diễm xưa, Biển nhớ…với "ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi, người ơi nước mắt hoen mi rồi", với "mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ…dài tay em mấy cho mắt xanh xao.."- ca từ và nhạc điệu thật độc đáo như một làn gió mới thổi vào Tân nhạc Việt Nam thập niên 50, 60 của thế kỷ trước.
Ở một chiều kích khác ngoài âm nhạc, Trịnh Công Sơn cũng rất tài ba trong văn chương. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng, chất liệu để ông viết nên những bản "tình ca hay nhất thế kỷ" chính là nỗi cô đơn, tuyệt vọng, là một tâm hồn nhạy cảm và hơn thế- là bi kịch về những mối tình đơn phương của ông.
Thư tình gửi một người, là tựa đề một cuốn sách tập hợp hơn 300 trang thư tay của chàng trai họ Trịnh viết cho người tình - cô gái Huế 16 tuổi - Ngô Vũ Dao Ánh, kể về một trong những mối tình đơn phương của ông.
Những bức thư tình tuyệt tác này được viết trong khoảng thời gian Trịnh Công Sơn dạy học ở một trường dành cho người Thượng ở Blao (Lâm Đồng).
Lật từng trang thư, người đọc cảm nhận được một vùng trời tình yêu bao la, nỗi nhớ nhung người thương đan xen nỗi cô quạnh tột cùng.
Bức thư đầu tiên ông Sơn gửi cho bà Ánh đề ngày 2-9-1964 bắt đầu bằng:
"Dao Ánh thân mến,
Cơn mơ kéo anh trở dậy vào lúc 3 giờ sáng.
Bây giờ núi đồi Blao còn đêm mù sương và im lìm ngủ. Anh thắp nến trắng viết thư cho Ánh và trùm chăn quanh mình. Mình cao nguyên này lạnh suốt ngày…Ánh ơi,.."
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Với một chàng trai 25 tuổi thì còn gì cô đơn hơn việc suốt ngày làm bạn với sương trắng, với mây xám chùng chình trước núi đồi Blao (Bảo Lộc, Lâm Đồng)?
Và để giải tỏa nỗi cô đơn này, ông chỉ còn cách viết thư, gửi thư, và mong chờ hồi âm. Những buổi chiều nào mà nhà giây thép báo tin có thư của Dao Ánh từ Huế gửi vào thì ngày đó là một đặc ân, một ân huệ to lớn của một người đang yêu.
Có thể khi bước vào thế giới, vào dòng chảy của hơn 300 bức thư tình này, nếu không có đủ kiên nhẫn người đọc sẽ bỏ cuộc ở mốc khoảng chục bức thư đầu vì mùi vị tình yêu ở đó sao mang dáng vẻ bi lụy, một dự báo cho cuộc tình sẽ chẳng đi đến đâu.
Diễn tiến thời gian đi từ lúc ông Sơn mới yêu, từ những buổi sáng 4 giờ lạnh ngắt đã dậy thắp nến viết thư, từ những bản nhạc dành riêng tặng cho người tình, từ những hờn dỗi "đã mười ngày chưa thấy thư của Ánh" cho đến lúc nhận ra sự bế tắc trong chuyện tình của mình, chẳng thể nào cứu vãn được nữa làm cho người đọc không khỏi xót xa.
Trịnh Công Sơn được ví như Bob Dylan Việt Nam - Ảnh tư liệu
Điều này thể hiện thật ấn tượng và gây thổn thức trong bức thư đề ngày 25-3-1967:
"Ánh yêu dấu,
Anh sang Trang vì nghe anh Cường bảo Ánh có gửi thư về đó. Nghe Trang kể lạ những điều Ánh viết trong thư anh vừa thất vọng vừa buồn.
Bây giờ đã quá khuya. Chương trình chủ đề về tình yêu còn để lại một vị đắng rất mỏng. Mọi người cũng đã ngủ từ lâu và anh cũng phải quyết định một lần cho cả Ánh lẫn anh, một quyết định thật khó khăn mà chẳng ai trong cuộc dám dứt khoát với chính mình.
Quyết định nào cũng có sự khổ sở của nó. Anh cam đành làm kẻ bội bạc để mở ra cho Ánh sự ngạt thở bấy lâu trong đó người này hay kẻ kia đã cố đóng cho tròn vai của mình. Cho đến phút này anh vẫn cảm thấy chỉ riêng anh đã sống thật hồn nhiên trong tình yêu đã qua.
"Chúng mình chấm dứt tình yêu đó ở đây". Hãy xem mọi lầm lỗi đều ở anh cả…"
Từ thời gian này cho đến lúc qua đời, "hai mươi năm xin trả nợ dài", thỉnh thoảng Sơn và Ánh vẫn liên lạc vẫn viết thư và gọi điện cho nhau trong một tâm thế thật khó gọi tên? Tri kỷ chăng?
Ca sĩ Bằng Kiều hát Biển nhớ của Trịnh Công Sơn - Video: GIA TIẾN
Bức thư cuối cùng trong tập sách không phải là thư tay với những dòng chữ nắn nót nữa, mà gửi bằng email, gửi hồi 11:30, ngày thứ tư, 17-1-2001, vài tháng sau thì ông qua đời.
Nhiều người bảo Trịnh Công Sơn lụy và cuồng yêu. Nhưng nếu Trịnh Công Sơn buông xuôi mối tình này ở những khoảng khắc đầu tiên thì sẽ không có một xấp thư dày cộm để cho ta thấy sự chịu đựng, sự vô biên của tình yêu, và cách mà tình yêu cứu chuộc linh hồn con người như thế nào.
Rồi tự nhiên thấy tội tội ông Sơn. Người đàn ông viết tình ca nhưng bất lực - không thể cứu vãn nổi cuộc tình của mình.
Ngày 1-4 năm nay kỷ niệm đúng 18 năm ngày Trịnh Công Sơn mất. 18 năm là một khoảng thời gian không quá dài cũng không quá ngắn.
Nhưng nó đủ để một đứa trẻ sinh ra, lớn lên, biết nghe nhạc Trịnh và cảm nhận mùi vị tình yêu đầu đời. Và hơn hết, là hãy học theo cách ông Sơn yêu bà Ánh để chịu trách nhiệm với tình yêu của mình. Ngày cá tháng tư, trái tim nồng nàn yêu người ngừng đập.
Như một trò đùa.