Thơ ca chính là tấm gương phản chiếu của cuộc sống. Qua những vần thơ, ta được đắm chìm trong thế giới nội tâm của tác giả, đọng lại trên những áng thơ bay bổng, tạm thời quên đi những hối hả, lo toan, áp lực của cuộc sống. Đồng thời giúp ta có thêm cảm hứng, động lực để tiếp tục tiến bước trên con đường đời.
Trong bài viết này, DIMI BOOK sẽ giới thiệu đến bạn 10 bài thơ hay về cuộc sống, được chọn lọc từ kho tàng thơ ca phong phú của Việt Nam. Mỗi bài thơ mang một phong cách riêng, thể hiện những góc nhìn khác nhau về cuộc sống. Nhưng tất cả đều hướng đến một thông điệp chung: hãy yêu thương, trân trọng cuộc sống và sống một cuộc đời ý nghĩa.
Các bài thơ hay về cuộc sống nhiều màu sắc
Trong kho tàng thơ hay về cuộc sống, có rất nhiều bài thơ thể hiện tinh thần yêu đời và lạc quan như:
Giản đơn – An Nhiên
Nếu có thể đừng than chi số phận
Gạt nỗi buồn vướng bận gió cuốn đi
Đời ngắn lắm yêu thương còn chưa đủ
Sao bận lòng cho những phút sân si.
Nếu có thể hãy thả lòng mình nhé
Sống vị tha mạnh mẽ giữa cuộc đời
Bởi vẫn biết cho đi là còn mãi
Tự bằng lòng tâm sẽ được thảnh thơi.
Nếu có thể thả hồn nương theo gió
Biết bỏ buông mình sẽ có thật nhiều
Những niềm vui hạnh phúc dù bé nhỏ
Cuộc đời này thanh thản biết bao nhiêu?
Nếu có thể giữ cho mình những phút
Khẽ khàng trôi không chút ầm ào
Giữa chợ đời lặng ru bình yên ngủ
Thả muộn phiền theo cánh gió lao xao.
Tác giả An Nhiên.
Qua bài thơ, tác giả muốn truyền đạt rằng nhân sinh rất ngắn ngủi. Vậy nên hãy trân trọng khoảnh khắc yêu thương và tập sống vị tha, rộng lượng để tâm hồn được thanh thản.
Thơ tự sự – Nguyễn Quang Vũ
Dù đục dù trong, con sông vẫn chảy
Dù cao dù thấp, cây lá vẫn xanh
Dù người phàm tục hay kẻ tu hành
Vẫn phải sống từ những điều rất nhỏ
Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó
Sao ta không tròn ngay tự trong tâm
Đất ấp ôm cho mọi hạt nảy mầm
Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng
Nếu tất cả đường đời đều trơn láng
Chắc gì ta đã nhận ra ta
Ai trong đời cũng có thể tiến xa
Nếu có khả năng tự mình đứng dậy
Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy!
Đâu chỉ dành cho một riêng ai.
Đâu chỉ dành cho một riêng ai.
Tác giả Nguyễn Quang Vũ.
Mở đầu bài thơ, tác giả sử dụng hai hình ảnh ẩn dụ “con sông” và “cây lá” để nói về quy luật vận hành của cuộc sống. Dòng sông chảy bất chấp mọi biến đổi của thời tiết là hình ảnh tượng trưng cho sức sống mãnh liệt. Cây lá xanh tốt trên mọi địa hình tượng trưng cho sức sống tiềm tàng, thích nghi trong mọi hoàn cảnh.
Dù vậy, Nguyễn Quang Vũ cũng không né tránh những mặt tối của cuộc đời: “Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó”. Con người thường hay than phiền về những chuyện không như ý muốn. Nhưng nhà thơ đã hướng đến góc nhìn lạc quan hơn, ông cho rằng chính những sự “méo mó” ấy đã tạo nên sự đa dạng, phong phú của cuộc sống.
Cuối cùng, bài thơ kết thúc bằng một câu khẳng định rằng hạnh phúc không phải là thứ gì đó xa vời mà nó nằm ngay trong tầm tay mỗi người, chỉ cần ta có đủ nghị lực và ý chí để vươn lên.
Yêu đời – Phan Thị Thanh Nhàn
Có đôi lúc buồn
Tôi đã định tự tử
Sống làm chi khi bè bạn bon chen
Cơ quan quanh năm đấu đá
Sống làm chi khi người yêu thành người lạ
ngày như đêm một mình
Sống làm chi lương ba cọc ba đồng
viết báo làm thơ kiếm từng xu vẫn loay hoay không đủ
Sống làm chi khi mọi tượng thần đều sụp đổ
người ta tin yêu lại hoá tầm thường
Vậy mà tôi vẫn sống nhơn nhơn
vẫn cười nói họp hành trưng diện
vẫn hy vọng kiếm được một ông chồng đáng mến
(một người đã thông minh lại giàu)
Và tôi hiểu ra trong thăm thẳm niềm đau
Tôi vẫn còn yêu đời quá.
Phan Thị Thanh Nhàn – Tập thơ Nhẫn cỏ.
Bài thơ mở đầu bằng dòng tâm sự nặng trĩu: “Có đôi lúc buồn/ Tôi đã định tự tử”. Ta có thể cảm nhận được sự tuyệt vọng, chán chường bao trùm tâm hồn nhà thơ. Nỗi buồn ấy đến từ đâu? Nó xuất phát từ những áp lực của cuộc sống mưu sinh, “bè bạn bon chen”, “cơ quan quanh năm đấu đá”,”lương ba cọc ba đồng”… từ những thất vọng trong tình “người yêu thành người lạ”, “người ta tin yêu lại hoá tầm thường”.
Tuy nhiên, giữa những mảng màu u tối ấy vẫn le lói tia sáng hy vọng. Dù cho cuộc đời có bao nhiêu đắng cay, tủi nhục, nhà thơ Thanh Nhàn vẫn “sống nhơn nhơn”, vẫn “cười nói họp hành trưng diện”. Phía sau nụ cười ấy là một nghị lực phi thường, là bản lĩnh mạnh mẽ của người phụ nữ trước giông tố cuộc đời.
Nhớ rừng – Thế Lữ
(Lời con hổ ở vườn Bách thú)
Tặng Nguyễn Tường Tam
Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua,
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm,
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,
Thủa tung hoành hống hách những ngày xưa.
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc,
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
Ta biết ta chúa tể cả muôn loài,
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?
Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu,
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối:
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;
Dải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém;
Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm,
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.
Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hầm thiêng ta ngự trị.
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa,
Nơi ta không còn được thấy bao giờ!
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,
Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,
Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!
Tác giả Thế Lữ.
Ắt hẳn rất nhiều người trong chúng ta đều rất quen thuộc với bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ. Một đoạn trích của bài thơ này được sử dụng trong chương trình phổ thông của Việt Nam. Đó là cảnh chúa sơn lâm nằm trong cũi sắt chật hẹp mặc cho người người “thưởng thức” từ ngày này qua ngày khác.
Đối với học sinh, có lẽ bài thơ này chỉ là nỗi nhớ rừng, nhớ nhà. Còn đối với người trưởng thành, bài thơ Nhớ rừng đã chạm tới sâu thẳm tâm hồn của mỗi chúng ta. Quê hương, gia đình, giấc mơ của chúng ta là trở về nhà, nơi ta từng thênh thang vùng vẫy ngày xưa, giờ chỉ còn trong ký ức. Không phải ta không thể về được, mà vì ta đang bị giam cầm trong chiếc “cũi sắt” của ta. Đó có thể là công việc mưu sinh, có thể là trách nhiệm ta phải gánh vác,… Cho dù là gì đi nữa, cuộc sống này không thể dễ dàng theo ý ta mong muốn, nhưng ta vẫn phải tiếp tục bước đi và lặng lẽ chôn dấu nỗi nhớ tuổi thơ, quê nhà vào trong tim.
Chủ đề cuộc sống trong các tập “Thơ thơ” (1938) của Xuân Diệu
Cuộc sống là một trong những chủ đề được nhà thơ Xuân Diệu khai thác thành công nhất. Qua vần thơ của mình, ông đã thể hiện những quan niệm mới mẻ về thiên nhiên, về cuộc sống, về tình yêu, về tuổi trẻ và về con người.
Lạc quan
Vườn cười bằng bướm, hót bằng chim;
Dưới nhánh, không còn một chút đêm:
Những tiếng tung hô bằng ánh sáng
Ca đời hưng phục trẻ trung thêm.
Gió qua, như một khách thừa lương,
Lay nắng trên mình lá loáng sương.
Hoa cúc dường như thôi ẩn dật,
Hoa hồng có vẻ bận soi gương.
Vàng tươi, thược dược cánh hơi xoà;
Ửng dạng, phù dung nghiêng mặt hoa;
Nhánh vút làm cho lan chớm ngợp;
Lòng trinh giữ lại nửa bông trà.
Hình eo, dáng lả, sắc xinh xinh
Phơi phới cùng nhau thở thái bình
Của nỗi yêu trùm không giới hạn
Dịu dàng toả xuống tự trời xanh.
Hạnh phúc vờn trong buổi sớm mai,
Vừa tầm với bắt của tay người;
Ái tình đem máu lên hoa diện;
Thi sĩ đi đâu cũng thấy cười.
Xuân Diệu
Vội vàng
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Của ong bướm này đây tuần trăng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt…
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
Xuân Diệu
Đây mùa thu tới
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng:
Đây mùa thu tới – mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.
Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh;
Những luồng run rẩy rung rinh lá…
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.
Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ…
Non xa khởi sự nhạt sương mờ…
Đã nghe rét mướt luồn trong gió…
Đã vắng người sang những chuyến đò…
Mây vẩn từng không, chim bay đi.
Khí trời u uất hận chia ly.
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì.
Xuân Diệu
Chiếc lá
Lìa cành, thân héo khô,
Hỡi chiếc lá giang hồ,
Đi đâu?
Tôi chẳng biết.
Xưa ở cành cây thông:
Bão đánh, cây gần chết.
Chiều thổi đổi không cùng,
Gió thoảng hay gió mau
Từ hôm ấy, mặc lòng
Đưa tôi rừng tới đồng,
Núi trước tới lũng sau.
Tôi đi nơi gió lồng,
Không than cũng không nao;
Tôi đến nơi bờ bến
Của muôn sự, nơi đến
Lá hồng cùng lá đào.
Xuân Diệu
Gửi trời
Ta nằm trong võng mắt đong đưa,
Khi ấy ngày thu dọi ánh vừa.
Nhan sắc chớp hàng mi óng ả;
Đầu ta ân ái dịu dàng mưa…
Quá êm ta tưởng ở chừng trời,
Ta choáng không gian, níu tóc ngời:
Tóc mịn đầy tay như suối mát,
Lòng ta vui rợn thú chơi vơi…
Ta gửi trời ta giữa mắt nào
Ở gần má lửa, cạnh mày dao…
Khi ta trở lại, trời đâu vắng.
Lạnh lẽo mày xanh phản má đào.
Xuân Diệu
Sắt
Ngày muốn hết buồn như đời muốn hết;
Chiều bị thương ráng sức kéo mình đi.
Lũ mây già, nghìn vạn khối lâm ly,
Đứng giữ lưới bủa vây trời nhỏ hẹp.
Vài chiếc quạ, mình than, cong mỏ thép,
Quạ vừa kêu, đến tự xự đêm nào;
Những cây bàng là những bộ xương cao,
Nét ngớ ngẩn đã rèn bằng sắt cũ.
Tét cắn lá – lá nằm trên đất ủ,
Màu lặng yên không còn mộng xa bay;
Đất đen kêu như sắt dưới chân giày,
Tiếng rắn rỏi có pha màu mực đậm.
Chân đi nặng như mang xiềng; giam cấm
Trong cũi to, hồn không thể vượt lên;
Muốn rụng rơi, trái tim nặng ưu phiền,
Trái tim giữa một cái kềm bằng sắt.
Xuân Diệu
Cảm nhận những bài thơ hay về cuộc sống của Xuân Diệu
“Xuân Diệu là một người của đời, một người ở giữa loài người. Lầu thơ của ông xây dựng trên đất của một tấm lòng trần gian”.
Nhà thơ Thế Lữ.
Hoàn cảnh sáng tác của tập Thơ thơ (1938)
Nếu nói đến thơ ca Việt Nam thì không thể không nhắc đến Xuân Diệu, ông được mệnh danh là “Ông hoàng thơ tình” với hai giai đoạn sáng tác chính: trước và sau Cách mạng tháng Tám. Trước Cách mạng tháng Tám, Xuân Diệu là một nhà thơ lãng mạn tiêu biểu. “Thơ thơ” (1938) là một trong những tập thơ tiêu biểu của ông ở giai đoạn này.
Nội tâm và khát khao của thi sĩ Xuân Diệu
Thơ Xuân Diệu giai đoạn này bộc lộ niềm say mê ngoại giới. Ông muốn tận hưởng mọi sắc màu rực rỡ của thiên nhiên. Bài thơ “Lạc quan” là minh chứng rõ nét cho điều này. Xuân Diệu khao khát được yêu, được sống, được hòa mình vào dòng chảy của cuộc sống. Tuy nhiên, ông cũng ý thức được sự hữu hạn của cuộc đời và sự nhỏ bé của con người trước vũ trụ bao la. Nỗi cô đơn ấy được thể hiện rõ nét trong các bài thơ “Đây mùa thu tới”, “Chiếc lá”, “Gửi trời”.
Đồng thời, nỗi ám ảnh về thời gian khiến Xuân Diệu nảy sinh triết lý về nhân sinh: lẽ sống vội vàng. Bài thơ “Vội vàng” là lời khẳng định cho triết lý này: “Mau đi thôi! Mùa xuân ở lại / Còn chần chừ gì với tháng giêng?”. Thi sĩ muốn tận hưởng mọi khoảnh khắc đẹp đẽ của cuộc đời vì thời gian trôi đi không bao giờ trở lại.
Nỗi khát khao này thường đi kèm với nỗi đau đớn, xót xa trước nỗi sợ bị lãng quên được thể hiện rõ nét trong bài thơ “Sắt”.
Rung cảm của chính bản thân mình
“Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới – nên chỉ những người còn trẻ mới thích đọc Xuân Diệu, mà đã thích thì phải mê.”
Thi nhân Việt Nam – Hoài Thanh, Hoài Chân
Triết lý sống trong “Vội vàng” của Xuân Diệu vẫn còn giá trị cho đến ngày nay. Trong thời đại hối hả, bận rộn, chúng ta thường bị cuốn vào vòng xoáy của công việc, học tập mà quên đi mất những điều bình dị, đẹp đẽ xung quanh. Bài học mà Xuân Diệu mang đến cho giới trẻ là hãy biết trân trọng từng khoảnh khắc, sống hết mình với hiện tại và tận hưởng mọi sắc màu của cuộc sống.
Xem thêm:
- 20 bài thơ Tố Hữu hay và đầy ý nghĩa chọn lọc
- Thơ Xuân Quỳnh: Tình yêu dịu dàng, nồng nàn và đầy sức sống
Đã gần một thế kỷ trôi qua, nhưng vần thơ của Xuân Diệu vẫn ngân vang như một bản nhạc cuộc sống trong thơ ca, trong tình yêu. Những tác phẩm của ông sẽ mãi là những bài thơ hay về cuộc sống, là nguồn cảm hứng bất tận cho những tâm hồn yêu thơ, yêu cái đẹp.
Thưởng thức trọn vẹn tác phẩm qua đường link mua sách phía dưới để ủng hộ DIMI BOOK tiếp tục tạo ra những nội dung chất lượng và phong phú nhé! Chân thành cảm ơn Quý độc giả đã yêu mến!
Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “rolandroicalculator.eu” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.